Vào thế kỷ 17, nhà thiên văn học Johannes Hevelius đã vẽ những tấm bản đồ chi tiết đầu tiên của Mặt trăng từ đài quan sát tự chế đặt trên mái nhà ở Vương quốc Ba Lan.

Johannes Hevelius. Ảnh: Wikimedia

Johannes Hevelius. Ảnh: Wikimedia

Doanh nhân trẻ đam mê khoa học

Trong bộ sưu tập sách quý hiếm của Thư viện Huntington ở San Marino, California (Mỹ), có một cuốn sách được bảo quản cẩn thận trong một chiếc hộp lớn. Giữa cuốn sách là những tấm bản đồ đầu tiên vẽ chi tiết bề mặt địa hình cũng như miêu tả về các giai đoạn trong chu kỳ của Mặt trăng.

Cuốn sách vừa được nhắc đến có tên gọi “Selenographia”. Đây là tác phẩm của Johannes Hevelius, nhà thiên văn học Ba Lan xuất sắc nhất kể từ thời Copernicus. Hevelius sinh năm 1611 tại thành phố Danzig, trên bờ biển Baltic. Ngày nay, thành phố cảng này đã đổi tên thành Gdańsk. Cha của Hevelius hy vọng ông sẽ trở thành một doanh nhân trong ngành sản xuất bia, tiếp nối sự nghiệp của gia đình. Năm 19 tuổi, Hevelius học ngành luật tại Đại học Leiden. Ông quay trở lại Gdańsk vào năm 1634 và trở thành một thương gia.

Nhưng sau đó, một giáo viên tên là Peter Krüger đã giúp Hevelius làm quen với lĩnh vực thiên văn học, cũng như khơi dậy khát khao khám phá bầu trời của chàng trai trẻ. Trước khi chết, Krüger khuyến khích Hevelius cống hiến cuộc đời mình cho thiên văn học và lời động viên của Krüger đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của Hevelius.

Với sự giàu có đáng kể từ công việc sản xuất bia của gia đình, Hevelius dành phần lớn số tiền mình kiếm được cho khoa học. Năm 1641, Hevelius xây dựng một đài quan sát trên mái nhà của ba ngôi nhà liền kề mà ông sở hữu ở Gdańsk. Đây là một trong những chiếc kính thiên văn lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó. Nhiều vị khách quý như Edmond Halley, người dự đoán thành công sự xuất hiện trở lại của sao chổi Halley, đã đến thăm và gặp gỡ Hevelius để trao đổi kiến thức học thuật.

Nỗ lực vẽ bản đồ Mặt trăng

Lập bản đồ Mặt trăng là một trong những mục tiêu lớn đầu tiên của Hevelius khi dấn thân vào lĩnh vực khoa học. Nhiều đêm trên sân thượng quan sát bằng kính viễn vọng, Hevelius đã vẽ lại chi tiết toàn bộ các miệng hố, sườn dốc và thung thũng mà ông có thể nhìn thấy trên bề mặt của Mặt trăng.

Bản đồ vẽ Mặt trăng của Johannes Hevelius. Ảnh: Wikimedia

Bản đồ vẽ Mặt trăng của Johannes Hevelius. Ảnh: Wikimedia

Hevelius gửi những bản vẽ đầu tiên cho một người bạn có cùng đam mê để chia sẻ công việc mình đang làm, đó là nhà thiên văn học Peter Gassendi ở Paris (Pháp). Gassendi rất khâm phục những kết quả mà Hevelius đạt được. Gassendi viết cho Hevelius: “Bạn là một người tài năng với đôi mắt quan sát tinh tường, giống như đôi mắt của linh miêu”. Nhận được nhiều lời khen và lời động viên, Hevelius miệt mài làm việc và xuất bản cuốn sách “Selenographia” năm 1647.

Hơn 300 năm trước khi con người đặt chân lên Mặt trăng, Hevelius đã vẽ lại toàn bộ các miệng hố, sườn dốc và thung thũng mà ông có thể quan sát bằng kính viễn vọng tự chế đặt trên mái nhà.

Cuốn sách Selenographia đã giúp Hevelius dần trở nên nổi tiếng trong giới học thuật. Niccolo Zucchi, một nhà thiên văn học người Ý, thậm chí còn gửi một bản sao của cuốn sách này cho giáo hoàng. Giống như Copernicus, Hevelius cũng là người tin rằng Trái đất quay xung quanh Mặt trời. Trong cuốn sách “Johannes Hevelius and His Catalog of Stars” của Nhà xuất bản Đại học Brigham Young (Mỹ), Giáo hoàng Innocent X nói rằng: “Selenographia sẽ là một kiệt tác nếu nó không được viết bởi một kẻ dị giáo”.

Các tấm bản đồ trong cuốn sách “Selenographia” có tính thẩm mỹ khá cao, thể hiện khả năng nghệ thuật của Hevelius. Ví dụ, trong một tấm bản đồ, Hevelius vẽ Mặt trăng giữa hai trang giấy, ở bốn góc là hình ảnh các thiên thần có cánh đang thực hiện công việc nghiên cứu bầu trời.

Trong các tấm bản đồ, Hevelius đặt tên cho hàng chục địa điểm trên bề mặt của Mặt trăng, nhưng hầu hết tên gọi này hiện nay không còn được sử dụng. Trước Hevelius, một số nhà khoa học cũng từng quan sát Mặt trăng bằng kính viễn vọng bao gồm Thomas Harriot và Galileo Galilei.

Nhờ kính viễn vọng, Hevelius đã thành công trong việc lập bản đồ vị trí và độ sáng của khoảng 1.500 ngôi sao trên bầu trời. Danh mục sao của Hevelius chi tiết đến mức các nhà nghiên cứu ngày nay tin rằng nó được xây dựng bởi các phép đo thiên văn hiện đại. Hàng chục chòm sao được Hevelius đặt tên vẫn giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay.

Mặc dù Hevelius hy vọng sẽ xuất bản một danh mục sao hoàn chỉnh hơn, nhưng ông qua đời vào năm 1687 ngay trước khi hoàn thành mục tiêu này. Hiện nay, Hevelius và người vợ tên là Elisabeth được chôn cất trong cùng một ngôi mộ tại Nhà thờ Thánh Catherine ở Gdańsk, nơi họ đã kết hôn.